Trang chủ » Máy thổi túi nhựa và các thông số cần quan tâm.

Máy thổi túi nhựa và các thông số cần quan tâm.

Máy thổi màng sản xuất túi nhựa

Trên hệ thống máy thổi túi nhựa, sẽ tồn tại nhiều thông số kỹ thuật cần được canh chỉnh. Tốc độ của motor quấn trục, lưu lượng khí nén bơm vào màng, nhiệt độ và tốc độ đẩy của trục vít đùn nhựa ,.. Kích thước, độ dày và các đặc tính của màng sẽ được quyết định bằng sự điều chỉnh kết hợp các thông số này.

Tỷ lệ giãn nở hay còn gọi là tỷ lệ thổi của máy thổi túi nhựa

Đây là thông số quyết định kích thước chiều ngang tối đa của màng nhựa mà một cỗ máy thổi túi nhựa có thể sản xuất được. Tỷ lệ giãn nở hay tỷ lệ thổi lên chính là tỷ lệ giữa đường kính của bong bóng màng sau khi đã được bơm căng bằng khí nén và đường kính của màng khi mới vừa được đùn ra khỏi đầu khuôn thổi, tính bằng bội số.

Đối với vật liệu LDPE, thông số lý tưởng cho tỷ lệ này là từ 2,5 cho đến 3. Điều đó có nghĩa là nếu đường kính đầu khuôn thổi có kích thước 10cm, thì sẽ phù hợp để thổi lên bong bóng nhựa có đường kính từ 25 đến 30 cm. Để có được chiều ngang của cuộn màng thành phẩm, ta nhân đường kính này với số Pi. Ở ví dụ trên, ta có được kích cỡ tối đa của màng nhựa LDPE có thể sản xuất được là từ 39 đến 41 cm.

Có thể thấy, tỷ lệ thổi là bội số giãn nở theo chiều ngang của màng. Để điều chỉnh sự giãn nở này, người ta bơm thêm khí nén vào nếu muốn tăng lên, hoặc dùng vật nhọn chọc thủng, xì bớt không khí trong bong bóng màng ra ngoài, nếu muốn giảm xuống. Trong quá trình máy hoạt động, lỗ thủng giúp giảm lượng khí nén trong bong bóng nhựa sẽ nhanh chóng được cuốn lên và quấn vào cuộn màng theo chuyển động của con lăn, nên sẽ hoàn toàn không có tình trạng khí nén bị thoát hết toàn bộ ra ngoài theo lỗ thủng này.

Việc màng nhựa được kéo căng theo hướng ngang sẽ có tác động định hướng ở một mức độ nhất định đối với các phân tử nhựa. Và do đó, tỷ lệ thổi sẽ tỷ lệ thuận với độ dày của lớp màng. Màng càng dày thì tỷ lệ thổi phải càng lớn. Và độ dày mỏng của màng thì lại được quyết định bởi một thông số khác, đó là tỷ lệ lực kéo.

tỷ lệ thổi là chỉ số thể hiện độ giãn nở của bong bóng màng theo chiều ngang

Tỷ lệ kéo lên hay còn gọi là tỷ lệ lực kéo

Tỷ lệ hay tỷ số lực kéo, là bội số giữa tốc độ kéo lên bởi con lăn của màng và tốc độ đùn của trục đùn, trên cùng một đơn vị thời gian. Ví dụ như trong một giây, trục đùn đẩy ra được 5 cm chiều dài ống màng nhựa, mà chiều dài của ống màng này được kéo lên qua các trục lăn kéo và con lăn dẫn hướng là 25 cm, thì chúng ta sẽ có tỷ số lực kéo 25/ 5= 5. Tỷ số lực kéo này luôn lớn hơn 1. Dưới trị số này, bong bóng nhựa sẽ bị biến dạng và quy trình thổi thất bại.

Chiều dài của cuộn màng được kéo lên qua con lăn luôn lớn hơn chiều dài của màng được đẩy ra khỏi trục đùn. Có nghĩa là, màng nhựa đùn ra đã được kéo dãn và định hướng phân tử theo chiều dọc hay nói dễ hiểu hơn là chúng đã bị kéo dài ra. Tỷ số lực kéo càng tăng, thì màng càng được kéo dãn, độ dày sẽ càng mỏng hơn và ngược lại.

Tuy nhiên chỉ số này cũng có một khoảng giới hạn, bởi màng quá mỏng thì sẽ dễ bị vỡ bởi áp suất khí nén. Màng quá dày thì lại không đủ thời gian để nguội đi, đồng thời mất đi tính định hình, dễ bị biến dạng. Với những yêu cầu quá cao về độ dày, người ta phải sử dụng phương pháp đùn đúc. Ở phương pháp này, màng nhựa sẽ được đùn từ trên xuống một cách chậm rãi, và tỷ số lực kéo có thể điều chỉnh xuống mức thấp nhất.

Tỷ lệ lực kéo khi thổi màng polyethylene mật độ thấp (LDPE) nằm trong khoảng từ 4 đến 6. Đây là trị số được cho là sẽ đem lại khả năng kiểm soát và hiệu suất tốt nhất cho dây chuyền sản xuất bằng phương pháp đùn thổi.

Nhiệt độ máy đùn của hệ thống thổi túi nhựa

Đối với màng polyethylene mật độ thấp (LDPE), nhiệt độ của trục đùn thường được kiểm soát từ 160 ° C đến 170 ° C. Nhiệt độ này cần phải đồng đều ở khắp mọi điểm dọc theo chiều dài của trục. Nhiệt độ đùn quá cao, cấu trúc nhựa dễ bị phân hủy, và màng sẽ bị giòn. Ngược lại nếu nhiệt độ quá thấp, nhựa sẽ không thể tan chảy hết, dẫn đến bề mặt sần sùi và độ dày của màng bị sai lệch. Trong cả hai trường hợp, hiệu suất của màng đều giảm đi đáng kể, và quy trình sản xuất sẽ trở nên vô cùng khó kiểm soát.

Điểm mờ

Điểm mờ hay còn được gọi là đường sương, đường mờ, là một vệt ngang có thể nhìn thấy rõ ở phần dưới đáy của bong bóng nhựa đang được thổi lên. Đường ngang này không phải là một điểm cố định trên màng, mà thực chất là vị trí mà nhựa sẽ chuyển đổi trạng thái màu sắc của chúng từ trong suốt sang mờ đục.

Nguyên nhân của sự chuyển đổi màu sắc này là do nhựa được thay đổi đặc tính, từ trạng thái hơi lỏng và nhớt khi mới được nung chảy, sang trạng thái khô và đàn hồi cao khi được kéo dãn và làm mát đột ngột bởi vòng khí làm mát được gắn ngay trên đầu khuôn thổi.

Với những dây chuyền sản xuất màng nhựa không có hệ thống cảm biến đo kích thước và độ dày hiện đại, chính điểm mờ này sẽ là yếu tố quan trọng, giúp những người công nhân vận hành máy biết được sản phẩm tạo ra đang có được hiệu năng tốt nhất hay không.

Lý tưởng nhất là khi điểm mờ này nằm ngay vị trí mà bong bóng màng bắt đầu phình to kích thước. Điểm mờ nằm cao hơn vị trí này, có nghĩa là các phân tử nhựa bị kéo căng khi nhựa vẫn còn đang trong trạng thái lỏng, khiến việc định hướng phân tử có nguy cơ xảy ra không đồng đều. Sản phẩm thu được sẽ có độ dày mỏng không đồng nhất trên mọi điểm. Đây là sai sót rất thường xảy ra và cũng khó phát hiện nếu không có thiết bị đo chuyên dụng. Nếu túi nilon thành phẩm được sử dụng để chịu tải trọng lớn, hàng hóa sẽ có nguy cơ chịu nhiều rủi ro. Cũng giống như trong một đường ống nước, điểm mỏng nhất sẽ chịu áp lực lớn hơn những điểm còn lại và có xu hướng bị phá vỡ khi áp suất vượt quá mức cho phép.

Ngược lại, khi điểm mờ nằm thấp hơn vị trí mà bong bóng bắt đầu được thổi phồng, nghĩa là màng sẽ bị kéo căng khi đã nguội đi và các liên kết phân tử nhựa đã được định hình xong. Việc kéo căng này sẽ không còn mấy ý nghĩa, màng sẽ có xu hướng dày và chai sạn hơn, mất đi độ linh hoạt và mềm dẻo cần có.

Để khắc phục tình trạng này, trên lý thuyết chỉ cần đơn giản chỉ cần tăng hay giảm tốc độ đẩy nhựa ra của trục đùn. Tuy nhiên trên thực tế, việc thay đổi tốc độ này lại làm thay đổi tỷ lệ lực kéo. Đồng thời, việc nhựa được đẩy ra nhanh hay chậm hơn cũng làm thay đổi thời gian chúng được tiếp xúc với nhiệt độ trong trục đùn và việc nung chảy nhựa có thể sẽ không đạt được hiệu quả.

 

Không khí được dẫn từ quạt thổi đến vòng khí làm mát bằng các ống nhựa xoắn

Xem thêm: Các thông số cần quan tâm của máy thổi túi

Những lỗi thường gặp khi vận hành máy thổi màng (thổi túi)

Máy thổi màng (thổi túi) sản xuất túi nilon đựng hàng

Quy trình làm việc của máy thổi túi (thổi màng nhựa)

Công ty TNHH Máy Nhựa Việt Đài

Trụ sở chính: xã Thanh Xuân, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương

Chi nhánh: 179 Chợ Đường Cái, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên

Chi nhánh miền nam: Số 4, đường số 10, Kp. Khánh Hội, P. Tân Phước Khánh, Tx. Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương.

Hotline: Mr. Trung: 0937 470 861 – Mr. Viên: 0886 547 668 – Mr. Ba: 0969 778 568 – Mr. Dũng 0976 556 525

Email: maynhuavietdai.hd@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *